DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ NGHỆ THUẬT ĐỀN THỜ PO KLONG MƠH NAI

Cách Quốc lộ 1A 250m về phía Đông Bắc Thị trấn Lương Sơn, Huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận
ttxtdulichbinhthuan@gmail.com
02523860302
0 0

Dịch vụ

Mô tả

Po Klong Mơh Nai là một trong những vị vua cuối cùng của vương quốc Chămpa. Theo biên niên sử của người Chăm, gia tộc Ông là người trong Hoàng tộc từ những đời trước. Ông lên ngôi từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1627 thì nhường ngôi lại cho con rể là vua Po Klong Gahul. Thời gian trị vì tương đối dài, Ngài đã có những cống hiến lớn đối với dân tộc Chăm trên các lĩnh vực. Khi vương quốc ngày càng bị thu hẹp dần về mọi phương diện thì quyền lực của nhà vua ngày càng bị hạn chế, không còn như trước. Lúc này gần như chỉ còn lại vùng Panduranga tức là Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Sinh thời Ngài là nhà vua có công lớn trong việc đã huy động dân khai hoang, mở mang ruộng vườn, làng mạc, cho khai thông và đào mới các hệ thống mương đập tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nghề thủ công được truyền lại từ tổ tiên nhiều đời trước, nhất là nghề kim hoàn, dệt và gốm. Trong đó hệ thống mương đập gần Sông Lũy đã phát huy tác dụng ở thời kỳ này và cả về sau. Nhiều đời sau người Chăm ví công lao của Ông chẳng khác nào công lao của vua Pô Klong Garai thế kỷ XIII ở Phan Rang với những công trình thủy lợi do Ông thiết lập ở vùng đất khô cằn này.

Đền thờ vua Po Klong Mơh Nai được xây dựng trên một khu đồi cao, đầu thế kỷ XX thuộc làng Lương Sơn, tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa (nay là thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình). Cách Quốc lộ 1A 250m về phía Đông Bắc (đoạn đường vòng cung). Cách thành phố Phan Thiết 50km về phía Bắc và cách trung tâm huyện Bắc Bình 15km về hướng Đông Nam. Theo quan niệm tôn giáo và truyền thống xưa của người Chăm đạo Bàlamôn, khi các vị vua chúa tạ thế, triều đình và hoàng tộc phải chọn đồi cao để chôn cất và lập đền để thờ phụng. Vì họ tin rằng ở các đỉnh núi cao là nơi cư ngụ của thần linh. Ở vị trí trên đỉnh đồi cao trước là để thỏa mãn các ý tưởng về tôn giáo đối với vua chúa; cũng vị trí này gợi cho người ta thấy về uy lực của các vương triều và vị vua Chăm.

Đền thờ gồm 4 gian phòng xây theo kiểu hình chữ T với cửa mở về hướng Đông và hướng Bắc. Đây là ngôi đền đã được xây dựng và tu bổ lại nhiều lần trên nền của ngôi đền cổ bị cháy, mà vết tích còn lại là nền móng xây bằng gạch với số lượng lớn hiện còn bao quanh đền thờ với chiều cao 1,2m. Gian điện Chính của đền thờ gồm có 3 tầng và thu nhỏ lại phần đỉnh, dạng như một ngôi tháp. Trên đỉnh có 4 con Makara (dạng như con rồng trên đình làng hay chùa chiền trong văn hóa người Việt) tỏa ra 4 hướng. Cửa chính trổ về hướng Đông, bên ngoài chạm trổ hình tượng Makara, 2 cánh cửa nặng bằng gỗ có lối kiến trúc như cửa tháp. 2 cửa phụ của đền thờ vua thì một trổ về hướng Bắc, một trổ về hướng Nam thông qua phòng của hai bà hoàng hậu.

Trung tâm của gian điện Chính đặt tượng vua Po Klong Mơh Nai. Tượng được điêu khắc từ một khối đá xanh đen với đầy đủ các loại hoa văn, gờ chỉ của vua chúa Chăm và bệ tượng được tạc trên một khối đá khác. Đầu đội vương miện, trang trí nhiều họa tiết thuộc nghệ thuật Chăm phổ biến cùng thời trên trang phục; ngực mang một vòng ngọc, một đai thắt lưng lớn trang trí bằng những hình hoa hồng 4 cánh quanh thân. Điện thờ phía Bắc: Có kết cấu kiến trúc gần giống như điện thờ Chính. Cửa chính trổ ra hướng Đông và một cửa phụ trổ về hướng Nam thông qua phòng thờ vua. Ở đây đặt tượng hoàng hậu người Chăm là bà Po Bia Sơm. Tượng được tạc từ một khối đá xanh đen. Bệ tượng được thu nhỏ lại thành một cái bệ có trang trí đẹp đẽ, không có rãnh nước chảy như rãnh bệ Yoni ở bệ tượng. Đầu đội vương miện, hai cánh tay thon dài có mang những chiếc vòng xuyến. Bên trái và bên phải hoàng hậu Po Bia Sơm có hai tượng Kut trang trí đẹp. Theo truyền thuyết thì hai tượng Kut đó là thờ các con trai và con gái của hoàng hậu. Điện thờ phía Nam: Cũng có kết cấu kiến trúc từ hình dáng đến kích thước hoàn toàn trùng lắp của điện thờ phía Bắc. Thiết kế của hai điện thờ này là một, không có điểm nào khác biệt, trừ vị trí. Điểm khác biệt rất cơ bản là tượng thờ bên trong. Tượng bà hoàng hậu người Việt; cho đến nay chưa có sử sách nào ghi chép hoàng hậu người Việt tên gì và làm vợ vua Po Klong Mơh Nai trong hoàn cảnh lịch sử nào. Ngay trong dòng dõi Hoàng tộc Chăm còn lại cũng không ai hay biết, chỉ biết bà là hoàng hậu người Việt. Tượng được tạc rất đẹp, dáng người cao, thon, ngực cân đối. Điểm để phân biệt thành phần dân tộc của hai bà hoàng hậu ngoài những đặc điểm nhân chủng trên nét mặt, vị trí thờ… điểm cơ bản nữa là trên đai hoàng hậu người Chăm chạm trổ nhiều hoa thị 4 cánh như ở đai tượng vua thì trên đai tượng lưng bà hoàng hậu người Việt lại chạm trổ những hình bông sen rõ nét. Bức họa lớn trên tường phía sau lưng hoàng hậu vẽ một con phượng lớn và hai bên hai con phượng đứng chầu. Điểm này giống các bức họa của các bà hoàng hậu ở triều Nguyễn. Hai bên phải, trái của bà còn có hai tượng Kut chạm trổ đẹp. Những người trong Hoàng tộc Chăm cho đó là Kut của hai con bà. Điện phụ phía Đông trước điện Chính: Đây là gian phòng khá lớn và không có một mảng tường nào, trống trải. Ở vào vị trí các tháp Chăm, ngôi nhà này đóng vai trò tháp cổng trước khi vào tháp Chính, ở đây cũng không ngoài mục đích đó. Nối liền với đền phụ này còn có một ngôi đền lớn hướng Đông mà trong vụ hỏa hoạn giữa thế kỷ XIX đã thiêu rụi toàn bộ. Nền của ngôi điện hiện vẫn còn, các nhà nghiên cứu người Pháp trước đây mô tả rất rõ ngôi điện này. Trước đây ngôi điện thờ được sử dụng để thực hiện các lễ nghi tôn giáo phụ và là nơi chờ đợi hành lễ nơi điện Chính.

Những năm đầu thế kỷ XX khi khảo sát và nghiên cứu văn hóa Chăm ở Bình Thuận, một số nhà khảo cổ người Pháp gọi các Sưu tập của các vua Chăm, trong đó có Bộ Sưu tập là “Kho tàng các vị vua Chăm”. Trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XX, Bộ Sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc do dòng tộc hậu duệ vua Po Klong Mơh Nai đứng đầu là bà Nguyễn Thị Thềm, người trong Hoàng tộc được quyền thừa kế lưu giữ những di sản quý báu này. Nhà Bà ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Bộ Sưu tập di sản còn lại chủ yếu là của vương triều vua Po Klong Mơh Nai. Ngoài ra, còn có một số di sản của các bậc vua chúa từ các thế kỷ trước để lại.

Bộ Sưu tập có khoảng 100 hiện vật gốc, bao gồm trang phục của vua, hoàng hậu, vương miện, vũ khí, các loại đồ dùng và phương tiện trong Hoàng tộc có niên đại thế kỷ XVII, XVIII. Trong số đó vương miện vua Po Klong Mơh Nai và vương miện hoàng hậu Po Bia Sơm là những hiện vật nguyên gốc còn lại  có giá trị cao về nghệ thuật chạm khắc. Đây là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm ở những giai đoạn lịch sử cuối cùng của vương quốc Chămpa. Sẽ thiếu sót nếu như không kể đến các loại dấu ấn của triều đình và Sưu tập sắc phong của các vị vua triều Nguyễn trong hơn 100 năm đã phong tặng cho vua Po Klong Mơh Nai 3 sắc phong từ đời vua Minh Mạng, Duy Tân và Khải Định. Đây là Bộ Sưu tập khá đầy đủ và quý hiếm của Hoàng tộc Chăm ở nửa đầu thế kỷ XVII còn lại, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan nghiên cứu.

Những điểm lân cận

Bản đồ