LỄ HỘI KATÊ TẠI THÁP PO SAH INƯ

12/12/2024 72 0
Trong di sản văn hóa Chăm hiện nay có hơn 70 lễ hội lớn, nhỏ được lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng ở cả hai tôn giáo Bàlamôn và Bàni

Trong di sản văn hóa Chăm hiện nay có hơn 70 lễ hội lớn, nhỏ được lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng ở cả hai tôn giáo Bàlamôn và Bàni. Mỗi đạo giáo lại có một hệ thống các lễ nghi và lễ hội với tín ngưỡng phù hợp với mục đích, tôn chỉ của tôn giáo. Với người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn (Chăm Ahier) ngoài những lễ nghi, lễ hội trải dài theo thời gian trong năm, nhưng lớn nhất và quy tụ nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc là lễ hội Katê.

Toàn cảnh không gian lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Từ nhiều thế kỷ trước cho đến nửa đầu thế kỷ XX, người Chăm thường thực hiện nhiều lễ nghi ở tháp Po Sah Inư, vì  đây là nhóm đền tháp cổ kính ở về phía Nam phần đất cuối của vương quốc Chămpa, phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm cả khu vực phía Nam. Khoảng từ giữa thế kỷ XX lễ nghi ở đây ngày càng thưa dần do tác động của hai cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài cũng như những điều kiện địa chính trị khác; mặt khác, quan trọng hơn là các tháp trong nhóm cũng ngày càng xuống cấp nặng nề và đang trên đà sụp đổ, ít người dám đến gần. Thỉnh thoảng một số người Chăm từ nhiều nơi đến viếng thăm và cúng lễ, có khi họ đi thành đoàn lên đến vài ba chục người. Sau năm 1975, một bộ phận người Chăm ở các xã Hàm Trí, Hàm Phú, Ma Lâm ở huyện Hàm Thuận Bắc và người Chăm ở Phan Rang thường về đây cúng lễ; tuy nhiên, số lượng người tham dự ít, nghi thức được giản lược vì kinh tế và giao thông không thuận lợi.

Những thập niên cuối thế kỷ XX, tháp Po Sah Inư đã từng bước được Nhà nước tu bổ, tôn tạo, từ gia cố chống sụp đổ đến việc trùng tu để trả lại hình dạng ban đầu. Sau hơn ba thập niên liên tục cho việc tu bổ tôn tạo, các công trình kiến trúc cổ được trả lại hình thù duyên dáng như xưa, nhiều công trình dân dụng được xây dựng để phát huy giá trị khu di tích cổ kính. Đồng thời nhu cầu cần thiết phải phục dựng lại lễ hội Katê như trước được đặt ra cấp bách nhưng phải dựa trên cơ sở nguyên gốc và khoa học. Mục đích chính là đáp ứng nhu cầu về lễ nghi, tín ngưỡng và tâm linh cho đa số người Chăm ở Bình Thuận và các nơi, mặt khác là từ di sản văn hóa sẽ thành sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch.

Năm 2005 lễ hội Katê tại tháp Po Sah Inư được Bảo tàng Bình Thuận nghiên cứu và phục dựng thành công với đầy đủ các quy trình về thời gian, không gian, nội dung và hình thức, đảm bảo các yêu cầu về văn hóa dân gian. Dự án đã được Hội đồng chức sắc và cộng đồng người Chăm địa phương góp ý từng nội dung cả về văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng. Họ coi đó như là trách nhiệm thiêng liêng của cộng đồng đối với ông bà, tổ tiên và khi lễ hội diễn ra là dịp để mọi người được trở về với cội nguồn, gốc rễ; cuối cùng họ là chủ lễ cũng đồng thời là những người tham gia từ đầu đến cuối. Sau khi thực hành xong, mùa lễ hội Katê được chính thức ra mắt tại tháp Po Sah Inư với sự tham gia của hàng ngàn người, bao gồm người Chăm từ khắp mọi nơi cùng với du khách các nơi đến tham gia, thưởng lãm lễ hội trong sự háo hức và niềm mong mỏi, chờ đợi từ lâu nay.

Thầy bóng thực hành lễ trong nghi lễ Cầu an tại tháp Pô Sah Inư

Theo tập tục truyền thống thì ngoài những lễ nghi tại địa phương để phục vụ lễ hội Katê, tại tháp Po Sah Inư phải thực hiện thứ tự những công đoạn và các nghi lễ sau: Dựng rạp lễ, tống ôn, rước kiệu thần, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc trang phục cho thần và cuối cùng là đại lễ. Trong những lễ nghi kể trên đều phải thực hiện mỗi mùa Katê đến. Riêng lễ Tống ôn thì vài ba năm mới thực hiện một lần. Những năm trước đây, sau khi việc dựng rạp xong thì lễ tống ôn trong khuôn viên tháp mới được tiến hành. Về triết lý tôn giáo, cũng như tín ngưỡng dân gian của người Chăm với quan niệm thực hiện lễ tống ôn là để khai thông đất trời, sông suối từ biển lên nguồn, cầu cho gió êm biển lặng, mưa thuận gió hoà, người và vật nuôi sinh sôi nảy nở.

Khi công tác hậu cần đã chuẩn bị xong xuôi, sáng hôm sau đúng vào ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch, đoàn rước lễ chỉnh đốn lễ phục, kiệu lễ, tàn, lọng, cờ quạt... và khi tiếng kèn Saranai, trống Ginăng, Paranưng và chiêng cùng cất lên rộn rã, thánh thót thì cũng là lúc đoàn lễ thỉnh rước kiệu trang phục khởi hành lên tháp. Trong suốt chặng đường dài thỉnh rước kiệu thần lên tháp, đoàn lễ đã phô diễn cho du khách và công chúng những nét đặc trưng độc đáo của lễ hội, qua các lễ phục với đủ sắc màu, thưởng thức các vũ điệu qua các loại nhạc cụ và điệu múa quạt, múa trống, múa vòng dân gian. Hai bên đường đoàn rước lễ đi qua, hàng ngàn người dân địa phương, người Chăm từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước xem đoàn lễ rước kiệu vào tháp thật đông vui, náo nức khiến cho không khí lễ hội càng thêm rộn ràng và sôi động. Trong lúc đoàn lễ rước kiệu thần đang phô diễn những nét đẹp dân gian truyền thống đậm đà bản sắc Chăm trên đường lên tháp, thì ngay trước cửa rẽ vào ngôi tháp Chính có một đội múa quạt diễn xướng các vũ điệu múa mừng, chào đón đoàn lễ rước theo nhịp điệu của đội nhạc lễ. Khung cảnh tháp Po Sah Inư thường ngày trầm lặng, tĩnh mịch đứng giữa ngọn đồi quanh năm lộng gió, giờ đây bỗng trở nên ấm áp, nhộn dịp chào đón lễ hội với các thế hệ cháu con người Chăm về dâng lễ.

Lễ rước y trang lên tháp Pô Sah Inư

Khi kết thúc lễ rước kiệu, các bộ phận lễ với hàng trăm người tề chỉnh trước tháp Chính để chứng kiến lễ mở cửa tháp. Vị Sư Cả mặc trang phục đứng trước cửa tháp dâng mâm lễ vật bao gồm trứng, trà rượu, trầu cau xin bà Po Sah Inư và 18 vị thần linh được mở cửa tháp. Trong vai trò chính, vị Sư Cả từ từ tiến về phía trước cửa tháp Chính làm một số động tác và đọc một số câu thần chú báo xin phép Po Sah Inư và các vị thần được mở cửa tháp. 2 cánh cửa được mở về hai bên, bệ thờ Linga - Yoni trong lòng tháp lộ ra mờ ảo, lung linh trong khói hương trầm tỏa ra nghi ngút.

Sau khi lễ mở cửa tháp kết thúc cũng là lúc lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni bắt đầu. Thực ra đây là lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni tượng trưng cho thần Siva, vị thần chủ được thờ ở trong tháp Chính từ thế kỷ VIII đến nay. Lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni được thực hiện một cách cẩn trọng, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng người Chăm đối với linh vật, một sinh thực khí thiêng liêng họ coi là nguồn gốc của con người, tạo ra mọi sự sinh sôi nảy nở để duy trì nòi giống và vạn vật, đồng thời đó cũng là nơi thờ Po Sah Inư.

 

Vị Sư Cả và Bà Bóng thực hiện nghi lễ Tắm bệ thờ Linga - Yoni

Trong khung cảnh linh thiêng, huyền bí, giữa khói trầm hương nghi ngút, trước tiếng đàn réo rắt, lời bài thánh ca trầm bổng và lời khấn cầu của thầy Cả Sư; hòa nhập vào không khí linh thiêng đó, vị Cả Sư khẩn cầu: “… Chúng con kính mong thần phù hộ cho dân làng khỏi bệnh tật, mong thần xóa bỏ những tội lỗi cho dân làng...”; Bà Bóng (Muk Pajau - người múa lễ cộng đồng) lúc này như được giao cảm với thần linh; vai trò của Bà Bóng lúc này như một nhân vật siêu phàm, thần bí cùng với những động tác huyền bí để cầu xin thần thánh phù hộ, độ trì cho cộng đồng trong việc sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, ban phát những điều tốt lành và hạnh phúc cho con người ở trần thế. Nghi lễ kết thúc sau khi thầy Kadhar (vị tu sĩ thực hành tín ngưỡng dân gian) diễn xướng xong bài thánh ca. Tiếp đến là nghi thức mặc trang phục tượng thờ Linga - Yoni, có sự phối hợp của âm nhạc và vị Sư Cả chủ lễ, Bà Bóng và kết thúc lễ mặc trang phục.

Sau cùng là nghi lễ Đại lễ: Khi các vị chức sắc đang thực hành nghi lễ trong lòng tháp chính thì ở bên ngoài, phía trước cửa tháp hàng chục mâm cỗ với đầy đủ các loại lễ vật gồm: thịt dê, gà, cơm, canh, bánh tét, bánh cấp, bánh gừng, bánh gang tay, chè, chuối, trầu cau, thuốc lá, trà, rượu... của các tộc họ, gia đình đã chuẩn bị sẵn chờ tín hiệu kết thúc trong tháp để hiến dâng lễ vật cho Po Sah Inư và các vị thần được mời dự lễ. Bắt đầu vào lễ, thầy Cả Kadhar kéo đàn và hát bài thánh ca mời gọi bà Po Sah Inư và 18 vị thần được người Chăm tôn thờ về hưởng lễ và phù hộ, độ trì cho cộng đồng dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt và cuộc sống sung túc (ngoài thầy Cả Kadhar, còn có 3 thầy Kadhar khác ngồi phía sau phụ kéo đàn và hát thánh ca). Tiếng đàn hòa với lời hát thánh ca và những động tác chắp tay lạy thần làm cho không khí buổi lễ thêm phần trang nghiêm. Nhìn dáng vẻ đi lại và khuôn mặt của mọi người đi lễ, hình như họ đã thỏa mãn về tâm linh qua chuỗi lễ nghi vừa trải qua. Kết thúc nghi lễ cúng tạ ơn, đội múa quạt nữ và múa trống Paranưng nam diễn xướng các vũ điệu dân gian Chăm một cách nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng kèn Saranai, trống Ginăng rộn rã, nhộn nhịp để chào tiễn biệt các vị thần cùng du khách gần xa về dự lễ hội và hẹn gặp lại ở mùa hội Katê năm tới./.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu